NGUYỄN TÂM Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Tuấn Phong - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng cho biết, giai đoạn từ 2020-2030, nhu cầu sử dụng năng lượng của Việt Nam là rất lớn, trong khi nguồn cung ứng năng lượng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là sự cạn kiệt của nguyên liệu hóa thạch và giá dầu biến động. Năng lượng Việt Nam phụ thuộc nhiều vào giá năng lượng thế giới, trong bối cảnh này xem xét các nguồn năng lượng tái tạo có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Việt Nam đã đặt mục tiêu đưa tổng công suất nguồn điện gió từ mức 52 MW hiện nay lên khoảng 1.000 MW vào năm 2020, khoảng 6.200 MW vào năm 2030; điện năng sản xuất từ nguồn điện gió chiếm tỷ trọng từ 0,7% năm 2020 lên 2,4% vào năm 2030.
Thực hiện mục tiêu đặt ra, dựa trên đề xuất của Bộ Công Thương, Chính phủ đã ban hành Quyết định 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/7/2011 về cơ chế hỗ trợ điện gió tại Việt Nam. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ quy hoạch phát triển điện gió quốc gia, chỉ đạo UBND các tỉnh lập kế hoạch và cập nhật bản đồ điện gió tại Việt Nam.
Sau hơn 3 năm thực hiện Quyết định 37, Tổng Cục Năng lượng đã phối hợp với GIZ, cùng các chuyên gia trong và ngoài nước thực hiện đánh giá, triển khai cơ chế hỗ trợ điện gió tại Việt Nam; đồng thời nghiên cứu đề xuất cơ chế hỗ trợ điện gió, nhằm hướng đến một mức giá điện gió phù hợp, đủ bù đắp chi phí và lợi ích phù hợp cho các nhà đầu tư.
Theo nhóm nghiên cứu, để có những đề xuất kiến nghị phù hợp với thực tiễn phát triển điện gió tại Việt Nam hiện nay, các chuyên gia của Việt Nam và Đức đã thu thập các thông tin cơ sở về các sự án điện gió tại Việt Nam, thông qua việc phỏng vấn các chủ đầu tư, đánh giá chi phí thiết bị và công nghệ gió toàn cầu. Cùng với đó là phân tích và rà soát lại toàn bộ khung chính sách và giá hỗ trợ điện gió hiện nay.
Chỉ trong 1 thời gian ngắn từ tháng 3/2014 đến nay, sau một số hội thảo khởi động, tham vấn, dự thảo báo cáo cũng được hoàn thành. Theo đó, những phát hiện chính và những kiến nghị được các chuyên gia đề xuất gồm: điều chỉnh khung chính sách điện gió; điều chỉnh giá FIT cho điện gió trên đất liền; một số yêu cầu tài chính để phát triển điện gió quốc gia; cơ chế chính sách hỗ trợ bổ sung được xem xét và các quy định trong định mức giá FIT; chi phí hỗ trợ cho 1.000 MW điện gió… Đáng chú ý nhất là đề xuất phát triển thị trường điện gió bằng cách đa dạng hóa các nhà đầu tư.
Theo phân tích của các chuyên gia, Việt Nam có thể vận dụng 3 hình thức đầu tư trong phát triển điện gió.
Thứ nhất, các nhà đầu tư nhận được nhiều sự hỗ trợ như các nhà đầu tư ODA, tiếp cận nguồn vốn với lãi suất từ 1-2%. Các nhà đầu tư này có thể cấp vốn lên đến 1/3 công suất, mục tiêu đề ra và đặt nền móng cho sự phát triển điện gió bằng hiệu ứng liên kết.
Thứ hai, các nhà đầu tư chiến lược, gồm các nhà máy sản xuất tuabin, doanh nghiệp công nghiệp lớn và các quỹ tài sản tư nhân. Nguồn vốn có thể tiếp cận với lãi suất 6%.
Thứ ba, các nhà đầu tư thương mại, họ có thể tiếp cận nguồn vốn với lãi suất khoảng 10% hoặc cao hơn. Các dự án này cần ưu đãi về thuế.
Ngoài ra, Việt Nam muốn phát triển thị trường điện gió nhất thiết cần sự hỗ trợ tài chính. Theo tính toán, với mục tiêu lắp đặt đến năm 2020 công suất điện gió đạt được là 1.000 MW thì Việt Nam cần tổng mức đầu tư là 2,1 tỷ USD. Trong đó, vốn vay phải sử dụng chiếm đến 70%, số còn lại là vốn chủ sở hữu. Với giá điện gió trên đất liền, theo các chuyên gia, mức giá 10,4 USCents/kWh là phù hợp nhất để Việt Nam đạt mục tiêu công suất đề ra.
Hội thảo lần này được xem là hội thảo tham vấn cuối cùng trong việc hoàn chỉnh các ý kiến sửa đổi cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió tại Việt Nam. Dự kiến ngày 30/7 Tổng Cục Năng lượng sẽ hoàn tất báo cáo cuối cùng để trình lên Chính phủ.
(Theo NangluongVietnam.vn) |
[Quay lại] |
Câu hỏi khó về mục tiêu 1.000 MW điện gió vào năm 2020 | |
TECO NEWSLETTER | |